Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lan truyền nhanh, có gây dịch và đại dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng và có chứa vi rút cúm do bệnh nhân ho, hắt hơi, ... Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, sổ mũi, đau họng, rất mệt, ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu, hoặc người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn.
Bệnh cúm có thể để lại các biến chứng: Viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí gây tử vong. Theo các nghiên cứu trên Thế giới, cúm mùa có thể:
- Tăng nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim lên đến 10 lần ở bệnh nhân tim mạch;
- Tăng 75% nguy cơ mất ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường;
- Tăng nguy cơ diễn ra các cơn kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, qua đó tăng tỉ lệ tử vong sớm ở những bệnh nhân này.
Tại Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện rải rác quanh năm, mỗi năm ghi nhận 600.000 – 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Bệnh thường tăng cao vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa hè - thu, đông – xuân. Nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.
Tại tỉnh Phú Yên, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh cúm mùa ghi nhận số ca mắc hằng năm cao, Trong giai đoạn 2017-2024, trung bình mỗi năm ghi nhận trên 2.000 ca mắc. Trong đó năm 2019 ghi nhận 02 trường hợp tử vong, năm 2024 ghi nhận 01 trường hợp (biểu đồ 1).
Trong năm, bệnh cúm phát hiện cao nhất vào các tháng đầu năm, thời tiết giao mùa, cũng là thời điểm Tết là lúc hoạt động giao thương, mua bán, vui chơi giải trí nhiều, tạo điều kiện cho lây truyền bệnh.
Bệnh cúm mùa không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng khi mắc. Tiêm phòng vắc xin cúm được coi là phương pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả nhất. Vắc xin phòng cúm có khả năng tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm có thể đạt tới 97%. Trẻ em từ 6 tháng tuổi, phụ nữ có thai, người già, người có bệnh mạn tính là đối tượng cần tiêm phòng cúm hàng năm bởi đây là nhóm nguy cơ mắc cúm cao và có khả năng bị biến chứng nặng hơn so với người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm vắc xin cúm hằng năm không những giúp phòng ngừa cúm, mà còn phòng ngừa các biến chứng do Cúm gây ra:
Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết lạnh kết hợp mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp gia tăng trong đó có cúm mùa. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.
3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Ngoài ra, trong thời gian tới, điều kiện thời tiết kết hợp với việc giao lưu, đi lại gia tăng, nhu cầu mua bán, giết mổ gia cầm phục vụ các ngày Lễ Tết tăng mạnh kéo theo nguy cơ xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh cúm gia cầm nguy hiểm như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), người người dân cần:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Hãy tiêm vắc xin Cúm hằng năm, tiêm ngay hôm nay!
ThS. BS Nguyễn Thị Thắng
Phó Trưởng Khoa PC bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch Y tế Quốc tế
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên.